Mục lục
Không chỉ ở Việt Nam mà ở một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, tết Trung thu là một ngày lễ lớn trong năm. Vậy ngày lễ này mang ý nghĩa gì, người ta thường tổ chức những hoạt động gì trong ngày lễ này? Hãy cùng Lịch Việt theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.
Tết Trung thu là ngày lễ gì?
Ngày Tết Trung thu còn được gọi là Tết trông trăng, tết đoàn viên. Đây là đặc trưng nét văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới, rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Đây là thời điểm mặt trăng tròn nhất và sáng nhất. Mọi người thường tổ chức múa hát, ngắm trăng và phá cỗ cùng nhau.
Năm 2023, Tết Trung thu rơi vào ngày 29 tháng 9 dương lịch.
Nguồn gốc của Tết Trung thu
Có khá nhiều nguồn gốc của ngày lễ này. Ở Trung Quốc, đó là truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ còn ở Việt Nam, tết Trung thu được gắn với sự tích chú Cuội.
Theo truyền thuyết Trung Quốc, Hậu Nghệ là một người bất tử, trong khi đó Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp bị người xấu ganh ghét, hãm hại nên không may bị giáng xuống trần gian và sống cuộc đời làm lụng, săn bắn. Vào một ngày, 10 mặt trời xuất hiện và thiêu rụi hầu hết mọi sự sống trên Trái Đất. Hậu Nghệ đã bắn rơi 9 mặt trời, đem lại bình an cho người dân nên được ban tặng một viên thuốc trường sinh bất lão, tạm thời chưa được uống. Tuy nhiên, khi Hằng Nga nhìn thấy viên thuốc, vì tò mò nên nàng đã uống viên thuốc đó và bay về trời. Vừa lúc đó, Hậu Nghệ về đến nhà và đuổi theo Hằng Nga nhưng bị thần gió cản lại. Hằng Nga bay lên cung trăng và mãi ở trên đó, trở thành tiên nữ được mọi người cúng bái, cầu bình an và may mắn.
Tại Việt Nam, ở một vùng nọ có chàng tiều phu tên là Cuội, trong một lần đi rừng vào nhầm hang cọp, chàng phát hiện cọp mẹ lấy 1 ít lá cây lạ cho đàn cọp con. Chúng đang chết bỗng sống dậy nên chờ khi cọp mẹ đi, Cuội đào gốc cây đó mang về. Trên đường về, Cuội gặp một người ăn mày nằm chết bên vệ đường. Anh lấy ngay mấy lá để cứu sống lão và được lão dặn dò không được tưới nước bẩn vào cây.
Nhờ có cây thuốc quý, Cuội đã cứu sống được nhiều người, trong đó có con gái lão địa chủ và được gả con gái cho. Vợ Cuội tuy vậy lại mắc tính hay quên nên một hôm đã tưới nước bẩn vào cây thuốc. Từ lúc đó, mặt đất chuyển động, kéo theo cả cây bật gốc bay lên trời cùng lúc Cuội vừa về đến nhà. Anh cố gắng níu vào rễ cây nhưng cây cứ thế kéo theo Cuội bay lên cung trăng. Cứ mỗi dịp trăng rằm, người ta lại thấy hình cây đa có người ngồi dưới gốc, tương truyền đó là chú Cuội và cây thuốc quý.
Ý nghĩa ngày tết Trung thu
Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, tết Trung thu ở Việt Nam lại mang nhiều nét ý nghĩa khác biệt. Trước kia, tết Trung thu là dịp để tất cả mọi người thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên vào thu, cùng nhau uống trà và ngắm trăng. Trải qua theo thời gian, Trung thu trở thành ngày Tết của trẻ em, trẻ em được phá cỗ, rước đèn dưới ánh trăng.
Ngày xưa, vào ngày rằm tháng tám, trai gái trong làng còn cùng nhau hát điệu Trống quân. Đây không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí mà còn là hình thức để trai gái tìm hiểu nhau trước hôn nhân, dùng những ca từ uyển chuyển để chinh phục trái tim người mình thích.
Bên cạnh đó, tết Trung thu còn là dịp để người ta tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia dựa vào mặt trăng. Nếu mặt trăng màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu mặt trăng ngả màu xanh hay xanh lục thì năm đó có thể xuất hiện thiên tai. Còn nếu mặt trăng có màu cam thì đất nước thịnh trị.
Những phong tục truyền thống ngày tết Trung thu
Làm bánh trung thu
Mỗi khi ngày Trung thu sắp đến, người người nhà nhà lại tổ chức làm bánh trung thu. Loại bánh này đại diện cho sự đoàn tụ, phúc lành. Bánh có hình vuông hoặc hình tròn, có thể là bánh dẻo hoặc bánh nướng.
Ngày nay, người ta còn đưa vào bánh trung thu nhiều loại nhân hiện đại, thu hút nhiều tệp khách hàng nhu bánh trung thu nhân đậu xanh, trứng muối, bánh trung thu vị trà xanh,...
Xem thêm: Hướng dẫn cách làm bánh trung thu đơn giản siêu ngon
Làm đồ chơi
Đến mỗi dịp tết Trung thu, những món đồ chơi cho trẻ em là không thể thiếu. Có thể kể đến một số loại đồ chơi mà trẻ em yêu thích như mặt nạ, đèn ông sao, đầu sư tử,...
Rước đèn trung thu
Trẻ em thường được cha mẹ, ông bà tự tay làm cho những chiếc đèn ông sao đẹp mắt. Ngày nay, có rất nhiều mẫu đèn lồng, đèn ông sao được bày biện, trang trí ở khắp nơi với đa dạng mẫu mã cho bé lựa chọn.
Xem thêm: Tự làm đèn lồng trung thu đẹp mắt tại nhà như thế nào?
Múa lân
Cùng với các hoạt động văn nghệ khác, khắp các bản làng, con ngõ đều nhộn nhịp với tiếng trống múa lân thu hút sự chú ý của không ít người xem.
Phá cỗ
Vào ngày tết Trung thu, các gia đình thường bày biện mâm cỗ trung thu cho trẻ em phá cỗ. Trên mâm cỗ là bánh trung thu, các loại kẹo, một số loại hoa quả đặc trưng như hồng, bưởi, thị,... Tuỳ vào từng gia đình, từng sở thích mà bày cỗ, trang trí cỗ khác nhau.
Mâm cỗ trung thu còn mang ý nghĩa cúng trăng với mong muốn cầu cho mọi điều trong cuộc sống đều thuận lợi, tốt lành, mùa màng bội thu gia đình yên ấm.
Xem thêm: Top 10 ý tưởng trang trí mâm ngũ quả trung thu sáng tạo cho bé
Trên đây là ý nghĩa và phong tục trong ngày tết Trung thu ở Việt Nam. Hãy theo dõi Lịch Việt thường xuyên để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác bạn nhé.